Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo luật đất đai sửa đổi”
Ngày 17/05/2013, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”. Tại buổi hội thảo NCS Ninh Thị Hiền đã trình bày bài tham luận về “Trình tự thủ tục giao dịch quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định tại dự thảo Luật đất đai sửa đổi”. PGS.TS Bùi Xuân Hải, TS Đặng Quang Phán và TS Phạm Văn Võ đồng chủ trì hội thảo này.
Tham dự hội thảo, về phía khách mời, có sự hiện diện của TS Đặng Quang Phán – Vụ trưởng Vụ Chính sách - pháp chế Tổng cục Quản lý đất đai; Ông Trương Lâm Danh – Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến – Trưởng bộ môn Luật Đất đai Trường Đại học Luật Hà Nội và nhiều đại biểu đến từ Sở Tài nguyên và Môi trường một số tỉnh phía nam.
Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM, tham dự hội thảo có sự hiện diện của PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Văn Vân – Trưởng khoa Luật Thương mại; PGS.TS Đỗ Văn Đại – Trưởng khoa Luật Dân sự; PGS.TS Phan Huy Hồng – Phó trưởng khoa Luật Thương mại; TS Phạm Văn Võ – Phó trưởng khoa Luật Thương mại; PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương – Phó trưởng khoa Luật Dân sự; TS Vũ Văn Nhiêm – Phó trưởng khoa Luật Hành chính nhà nước; TS Lê Thị Nam Giang – Quyền trưởng khoa Luật Quốc tế; TS Lê Thị Hồng Vân – Trưởng khoa Khoa học cơ bản; TS Nguyễn Quốc Vinh – Phó trưởng khoa Khoa học cơ bản; ThS Huỳnh Thị Thu Trang – Trưởng phòng Quản lý NCKH-HTQT và trên 200 giảng viên, nghiên cứu sinh quan tâm đến nội dung hội thảo.
PGS.TS Bùi Xuân Hải, TS Đặng Quang Phán và TS Phạm Văn Võ đồng chủ trì hội thảo này.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Hải, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2003 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 26/11/2003 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, qua thực tiễn, Luật cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập khiến dư luận bức xúc. Xuất phát từ tính chất quan trọng của hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải mong các nhà khoa học, các giảng viên, các nhà hoạt động thực tiễn và các nghiên cứu sinh hãy đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một cách khoa học, thắng thắn.
Tại hội thảo, có 07 trong 13 tham luận có trong Kỉ yếu được trình bày, bao gồm:
1. Bàn về “hình thức sử dụng đất” và một số kiến nghị đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)- TS Lưu Quốc Thái, Khoa Luật Thương mại
2. Một số ý kiến về chế định tài chính đất đai trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - TS Phạm Văn Võ, Khoa Luật Thương mại
3. Về hạn mức đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) -ThS Nguyễn Thị Kiều Oanh, Khoa Luật Thương mại
4. Một số vấn đề về thu hồi đất theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)- ThS Hoàng Thị Biên Thùy, Khoa Luật Thương mại
5. Trình tự thủ tục giao dịch quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - NCS Ninh Thị Hiền – Trường ĐH Luật TP. HCM
6. Về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)- NCS Lê Ngọc Thạnh - Trường ĐH Luật TP. HCM
7. Về hệ thống thông tin đất đai – một vài góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)- TS Đặng Anh Quân, NCS Võ Trung Tín - Khoa Luật Thương mại
Trong hai phiên thảo luận, đã có nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn về nội dung và hình thức của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa giải quyết được những điểm nút mà cuộc sống đặt ra, chưa đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và người sử dụng đất, nghiêng hẳn vể bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xem nhẹ lợi ích của người dân; âm hưởng chung của Dự thảo vẫn mang tính áp đặt hành chính; nhiều thuật ngữ trong Dự thảo chưa được giải thích đúng về nội dung, chưa chuẩn về ngữ pháp; việc thu hồi đất vì lý do an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia cần quy định cụ thể hơn để tránh các nhóm lợi ích lợi dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất; bên cạnh hình thức “thu hồi đất” nên bổ sung thêm hình thức “trưng mua quyền sử dụng đất”.
TS Nguyễn Văn Tiến cho rằng, để thống nhất với Luật Dân sự, Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định cụ thể về năng lực pháp luật của cá nhân sử dụng đất, về vấn đề ghi tên người sử dụng đất trên Giấy chứng nhận nhất là trong trường hợp người nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất là người chưa thành niên để tránh việc áp dụng tùy tiện, thiếu nhất quán
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương cho rằng, Ban soạn thảo đã có sự nhầm lẫn giữa khái niệm “gia đình” trong Luật Hôn nhân gia đình với khái niệm “hộ gia đình” khi giải thích khái niệm “hộ gia đình sử dụng đất”. Về việc điều chỉnh khung giá đất khi có “biến động lớn” PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương đề nghị nên làm rõ thế nào là “biến động lớn”, Nhà nước không nên thành lập hội đồng tư vấn về giá đất, thay vào đó, nên để một cơ quan độc lập làm việc này.
TS Vũ Văn Nhiêm cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) có quan hệ chặt chẽ với Hiến pháp và Bộ luật Dân sự; do vậy, Quốc hội có nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) trước Luật Hiến pháp và Luật Dân sự đang sửa đổi? TS Nhiêm cũng cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chủ yếu tập trung quy định về quyền của nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu đất đai nhưnng lại không có quy định về quyền của chủ sở hữu đích thực là toàn dân. Theo TS Nhiêm, dự thảo nên quy định quyền và nghĩa vụ của người có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất rõ ràng hơn. Về giá đất, ông Nhiêm cũng đồng ý với ý kiến nên có một cơ quan thẩm định giá đất độc lập. Về kết cấu, hình thức, TS Vũ Văn Nhiêm cho rằng Dự thảo còn có nhiều lỗi khó có thể chấp nhận, thuật ngữ, ngôn từ sử dụng thiếu nhất quán, kết cấu chương mục đôi chỗ thiếu tính tư duy hệ thống.
Theo ông Vũ Quốc Tuấn, từ khi có thông báo thu hồi đất cho tới khi có quyết định thu hồi là thời gian rất dài và phải qua nhiều thủ tục. Do vậy, nhà nước nên quy định rõ chỉ khi nào có quyết định thu hồi đất thì người có đất bị thu hồi mới không được thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. Mặt khác, Dự thảo nên quy định cụ thể hơn về phương pháp định giá đất, nguyên tắc áp dụng phương pháp định giá đất, giải quyết tranh chấp về giá đất, khi giá đất có thể được định giá bằng nhiều phương pháp khác nhau thì áp dụng phương pháp có lợi nhất cho người dân.
ThS Nguyễn Tú Anh, khi góp ý đối với Điều 24 của Dự thảo Luật Đất đai, cho rằng nên làm rõ khái niệm thế nào là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở điểm a khoản 1 Điều 23 và khái niệm cơ quan quản lý đất đai ở điểm b khoản 1 Điều 24. Bởi vì, nếu quy định như vậy, sẽ chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường được coi là CQQLNN về đất đai trong khi chức năng QLNN về đất đai còn thuộc về UBND các cấp và sẽ mâu thuẫn ngay với Điều 23 khi đã quy định trách nhiệm QLNN về đất đai ở địa phương thuộc về UBND các cấp. Tóm lại Điều 24 cần quy định rõ những cơ quan nào là cơ quan QLNN về đất đai và cơ quan nào là cơ quan QL đất đai. Điều này rất quan trọng bởi nó sẽ phản ánh tính tương thích đối với các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này ở các chế định khác của Dự thảo Luật.
Về các hình thức giao dịch quyền sử dụng đất, PGS, TS Đỗ Văn Đại cho rằng, Dự thảo cần bổ sung thêm hai hình thức giao dịch quyền sử dụng đất là cho mượn quyền sử dụng đất và cầm cố quyền sử dụng đất vì đây là hai hình thức giao dịch rất phổ biến trên thực tế. Nếu nhà nước không thừa nhận hai hình thức giao dịch này thi cũng nên quy định cấm một cách rõ ràng để tránh tình trạng mơ hồ về mặt pháp lí.
Bên cạnh những ý kiến trên, Hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến của thạc sĩ Nguyễn Văn Trí, TS Đặng Anh Quân, ThS Hoàng Thị Biên Thùy, ông Nguyễn Xuân Cương...về thời gian sử dụng đất, quản lý đất quốc phòng - an ninh, giao việc khiếu kiện đất đai cho tòa án thụ lý...
Kết thúc, TS Đặng Quang Phán – Vụ trưởng Vụ Chính sách - pháp chế Tổng cục Quản lý đất đai - đã chia sẻ và giải đáp một số câu hỏi của những người tham dự đặt ra trong hội thảo.
http://www.hcmulaw.edu.vn/